CÔNG TY CỔ PHẦN CÀ PHÊ GIA LAI
Địa chỉ: 97 Phạm Văn Đồng/Yết Kiêu, phường Thống Nhất, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai
Số điện thoại: 0269 3824654 Fax: 0269 3822847
Email: giacomex.fgl@gmail.com
Công ty Cổ phần Cà phê Gia Lai được thành lập ngày 13/9/2018.
Nhận thức được lĩnh vực Nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và dư địa cho phát triển (như phân tích ở phần dưới), sản phẩm nông sản và thực phẩm là nhu cầu thiết yếu nên Công ty Cổ phần Cà phê Gia Lai đã lựa chọn lĩnh vực Nông nghiệp là ngành nghề kinh doanh cốt lõi cho định hướng phát triển của mình. Công ty Cổ phần Cà phê Gia Lai có chiến lược phát triển lâu dài và bền vững với ngành Nông nghiệp Việt Nam. Định hướng phát triển của Công ty Cổ phần Cà phê Gia Lai là từng bước tham gia vào chuỗi giá trị của ngành Nông nghiệp và Thực phẩm ở các khâu Phát triển thị trường-->Chế biến-->Trồng trọt & Chăn nuôi-->Phân phối (NỘI ĐỊA VÀ XUẤT KHẨU).
Định hướng chiến lược trong giai đoạn 5 năm đầu phát triển (2018-2023), Công ty Cổ phần Cà phê Gia Lai sẽ tập trung vào lĩnh vực Nông nghiệp ở 02 khâu chính là: Phát triển thị trường - Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu thông qua các dự án trồng trọt giá trị cao. Kế hoạch từ năm 2024 trở đi, Công ty Cổ phần Cà phê Gia Lai sẽ phát triển lĩnh vực chế biến nông sản cao cấp và đồng thời phát triển hệ thống phân phối nông sản và thực phẩm chuyên biệt.
- Công tác xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường: Đây sẽ là điểm nổi bật và là thế mạnh của Công ty Cổ phần Cà phê Gia Lai, với kinh nghiệm ngoại thương và năng lực quan hệ quốc tế đã được trải nghiệm trước đó của Ban Lãnh đạo Công ty Cổ phần Cà phê Gia Lai và Ban Xuất Nhập Khẩu, Công ty sẽ đẩy mạnh công tác phát triển thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản của Công ty.
- Công tác xây dựng cơ sở vật chất cho kinh doanh: Đến nay, Công ty Cổ phần Cà phê Gia Lai đã xây dựng được cơ sở sản xuất và chế biến nông sản tương đối lớn đảm bảo cho công suất kinh doanh khả dụng đáp ứng cho chiến lược phát triển của 10 năm tiếp theo, với mục tiêu doanh thu khả dụng ở mức 10.000 tỷ đồng vào năm 2025. Các cơ sở sản xuất đã xây dựng được gồm (1) 04 tổ hợp Chế biến và thu mua Nông sản với công suất sản xuất thiết kế có thể đạt doanh thu khả dụng ở mức khoảng 6.000 tỷ đồng/năm cho hai mặt hàng hồ tiêu và cafe xuất khẩu.
- Trồng trọt phát triển vùng nguyên liệu: Quỹ đất 2000 ha ở Tây Nguyên để phát triển vùng nguyên liệu trồng cây cà phê và các loại cây giá trị cao có thể đem lại doanh thu khả dụng khoảng 1.500 tỷ đồng/năm.
Nông nghiệp Việt Nam là một ngành có lợi thế Quốc gia của Việt Nam.
Ngoài điều kiện thiên nhiên ưu đãi như thổ nhưỡng và khí hậu, nước ta có một lực lượng lao động đông đảo chiếm đến 70% dân số. Theo tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), Việt Nam có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng rất thuận lợi cho phát triển Nông nghiệp. Ngoài 03 vùng chính có điều kiện phát triển trồng trọt thuận lợi vào bậc nhất thế giới như đồng bằng châu thổ Sông Hồng, đồng bằng châu thổ sông Cửu Long (Mekong) và Tây Nguyên, cộng với bờ biển dài hơn 3000km và trên 5 triệu ha rừng sản xuất thì Việt Nam có thể trở thành nồi cơm của thế giới và là nơi có thể cung cấp các sản phẩm Nông-Lâm-Hải sản đủ cho cả một Châu Lục lớn nếu nước ta có đầu tư thích đáng cho lĩnh vực này.
Thực tiễn cho thấy, mặc dù diện tích nước ta không vào top đầu thế giới như một số nước, nhưng Việt Nam đã có đến 08 mặt hàng nông, lâm, hải sản xuất khẩu đứng thứ nhất, nhì của thế giới. Việc canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phát triển lâm nghiệp ở Việt Nam được coi là rất thuận lợi do điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, không như hầu hết các nước có điều kiện khí hậu hàn đới như Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... hay các nước có khí hậu khô, sa mạc như Trung Đông, Châu Phi... thì điều kiện canh tác và nuôi trồng là khó khăn và tốn kém hơn.
Tuy nhiên, do chưa được đầu tư và quan tâm thích đáng, nên ngành nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều hạn chế như quy mô trồng trọt manh mún, công nghệ giống chưa phát triển, công nghệ sau thu hoạch chưa tốt, công nghệ chế biến chưa cao, chất lượng sản phẩm mới ở mức trung bình, hệ thống logistics còn kém, năng lực xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu còn hạn chế. Tất cả các hạn chế nêu trên dẫn đến giá trị gia tăng cho sản phẩm nông-lâm-hải sản của Việt Nam còn thấp. Tuy nhiên, nếu xét về mặt ngược lại-từ góc nhìn của kinh doanh thì những tồn đọng nêu trên lại là các cơ hội và dư địa to lớn cho các nhà đầu tư tham ra vào lĩnh vững nông nghiệp nhằm đem lại giá trị gia tăng cho chính mình và cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Về góc độ vĩ mô, Chính phủ Việt Nam và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã nhận thức được các tồn tại và hạn chế của ngành nông nghiệp nên đã có quyết tâm tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm phát huy tiềm năng thực sự cho ngành nông nghiệp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nông nghiệp. 03 điểm chính trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà Chính phủ Việt Nam đang tích cực theo đuổi như sau:
- Tái cơ cấu quy mô sản xuất theo hướng tích tụ ruộng đất nhằm đạt quy mô công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất thông qua giao đất trực tiếp hoặc liên kết với nông dân. (Đây là điểm then chốt cho khả năng phát triển hơn nữa của ngành nông nghiệp Việt Nam, chỉ có tích tụ ruộng đất ở quy mô lớn thì mới có thể phát triển nông nghiệp ở quy mô công nghiệp. Chỉ có ở quy mô công nghiệp thì mới có thể ứng dụng triệt để khoa học và công nghệ vào trồng trọt, chế biến và giảm chi phí logistics. Làm được điều này thì mới hạ được giá thành, kiểm soát được chất lượng, nâng cao được giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng hóa. Thời điểm hiện nay là rất phù hợp cho tái cơ cấu ruộng đất, sứ mệnh lịch sử của việc chia nhỏ ruộng đất đã hoàn thành và lỗi thời, vì mô hình này không đem lại hiệu quả, kém sức cạnh tranh và không sản xuất được hàng hóa thương phẩm. Thực tế như hiện nay chúng ta thấy, nông dân một số nơi đã tự bỏ ruộng do trồng trọt ở quy mô nhỏ lẻ không có hiệu quả).
- Thiết lập hành lang pháp lý điều chỉnh mối quan hệ giữa 04 nhà trong nông nghiệp (Nhà nước-Nhà nông-Nhà khoa học-Nhà kinh doanh). "Đây cũng là một điểm qua trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nếu chúng ta không có thiết chế đảm bảo an toàn cho nhà kinh doanh thì họ không thể đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt như giống và vật tư cho nông dân. Thực tế trước đây đã thấy, rất ít doanh nghiệp chấp nhận đầu tư cho nông dân do chưa có hành lang pháp lý hoàn chỉnh để bảo vệ doanh nghiệp nếu trong trường hợp nông dân không giao, bán sản phẩm lại cho doanh nghiệp như cam kết. Chính vì vậy, xu hướng cho đến nay là Doanh nghiệp tự tiếp cận và phát triển quỹ đất trồng nguyên liệu của riêng mình, điều này dẫn đến hạn chế về quy mô sản xuất".
* Ban hành các chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho nhà đầu tư và hỗ trợ nông nghiệp. (Lĩnh vực nông nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định của xã hội và quốc kế dân sinh đối với Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung. Chính vì vậy, hầu hết các nước đều có các chính sách hỗ trợ rất lớn cho nông nghiệp, kể cả các nước có nền kinh tế đã phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc... Ở Việt Nam thì lĩnh vực nông nghiệp lại càng quan trọng hơn, do có đến 70% dân số đang làm nghề nông).
Tiềm năng cho các Doanh nghiệp Việt Nam tham ra vào lĩnh vực Nông nghiệp:
Như đã nêu ở trên, do nông nghiệp Viêt Nam mới phát triển ở mức còn cơ bản do chưa có đầu tư thích đáng nên còn nhiều tiềm năng và dư địa rất lớn cho các doanh nghiệp có thể đầu tư khai thác giá trị gia tăng từ ngành này trong hầu hết các khâu từ công nghệ giống... đến phân phối sản phẩm. Tiềm năng của chuỗi giá trị trong nông nghiệp có thể liệt kê ra như sau:
1- Tham gia vào nghiên cứu công nghệ giống: Công nghệ giống là điểm còn yếu của Việt Nam, nước Thái Lan đã rất thành công trong lĩnh vực phát triển công nghệ giống. Giá trị cao nhất trong chuỗi sản xuất nông nghiệp là khâu giống, ở Việt Nam chúng ta đã thấy vài công ty đã và đang gặt hái được thành công trong lĩnh vực này như Công ty Giống Thái Bình, Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang (nay là Tập đoàn Lộc Trời)... Hiện Việt Nam đang hội nhập sâu dần vào nền kinh tế thế giới, nên việc chuyển giao và hợp tác phát triển công nghệ giống là cơ hội các doanh nghiệp Việt phát triển.
2- Tham gia vào sản xuất vật tư nông nghiệp: Phân bón, thuốc trừ sâu sinh học, máy móc sản xuất, công nghệ chăm sóc vật nuôi cây trồng... còn phát triển yếu của Việt Nam. Đây là khoảng trống rất lớn mà các Doanh nghiệp Việt có thể tham gia để tự chủ các sản phẩm do Việt Nam sản xuất. Thực trạng thì chúng ta đã có những sản phẩm nội địa có chất lượng tương đối tốt như thuốc trừ sâu sinh học, phân bón vi sinh, hệ thống tưới nước tự động... Nhưng khâu yếu của các doanh nghiệp Việt là quy mô đầu tư, hệ thống kiểm soát chất lượng và đặc biệt là khâu quảng bá và phát triển thương hiệu.
3- Tham gia vào lĩnh vực trồng trọt: Lĩnh vực này có thể đem đến cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt. Chủ trương tái cơ cấu Nông nghiệp của Chính phủ như tích tụ quỹ đất và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn đất để triển khai trồng trọt nông, lâm, hải sản ở quy mô công nghiệp đang dần hiện hữu. Nếu trồng trọt ở quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và áp dụng logistics hiện đại thì sẽ đem giá trị gia tăng rất cao từ lĩnh vực trồng trọt. Vd: nếu trồng lúa ở quy mô 100 ha trở lên thì giá thành lúa thường ở mức 3.500đ-4.000đ/kg, trong khi hiện tại nông dân ở Miền Bắc trồng lúa với giá thành lên đến 5.200đ-5.400đ/kg. Nếu so với giá thị trường hiện tại thì chỉ riêng ngành trồng lúa ở quy mô công nghiệp có thể có lợi nhuận khoảng 40% (lúa có thể trồng 1 năm 2 vụ). Chúng ta thấy người nông dân trồng cây cam, quýt, bưởi, hồ tiêu, cacao, bơ..., ở quy mô nhỏ lẻ, đã có lợi nhuận từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng/ha. Hiện nay nhu cầu cho rau, củ, quả, thịt, cá... sạch là vấn đề bức xúc với 90 triệu dân Việt, hiện người Việt đã nhận thức được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nên cơ hội cho các doanh nghiệp có đầu tư nghiêm túc phát triển và phân phối các sản phẩm sạch có giá trị gia tăng và lợi nhuận là rất cao.
4- Tham gia vào lĩnh vực chế biến sâu: Các sản phẩm nông, lâm, hải sản của Việt Nam cơ bản vẫn ở dạng thô hay tiêu chuẩn, đồng thời các hệ thống chế biến nông, lâm, hải sản của các doanh nghiệp Việt còn ở mức có hàm lượng công nghệ trung bình nên sản phẩm đầu ra có chất lượng chưa cao, dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Chiến lược các doanh nghiệp Việt cần phải chú trọng đầu tư vào công nghệ chế biến sâu hơn, ưu tiên hơn về chất lượng nhằm tạo giá trị gia tăng cao. Ví dụ: Hai người Pháp vừa qua đã thành công trên đất Việt trong việc phát triển thương hiệu riêng cho sản phẩm kẹo sô cô la từ nguyên liệu cacao của Việt Nam, với chất lượng hảo hạng của nguyên liệu Việt họ đã có thương hiệu kẹo sô cô la tốt nhất thế giới với giá bán đắt gấp 8 lần sô cô la cùng loại tại các thị trường Âu, Mỹ... Chúng ta không thiếu các loại nguyên liệu tốt như caocao, hồ tiêu, hạt điều, bơ..., vấn đề còn lại là kỹ thuật và công nghệ chế biến.
5- Tham gia vào lĩnh vực logistics: Khâu này đóng vai trò vô cùng quan trọng cho mảng phân phối, các khâu bảo quản, tăng tiến độ giao hàng, giảm giá thành vận tải... Chúng ta vẫn thấy vắng bóng ở Việt Nam một hệ thống logistics hiệu quả cho nông sản, hải sản và thực phẩm.
6- Tham gia vào lĩnh vực đóng gói sản phẩm và phát triển thương hiệu: Đây cũng có lẽ là khâu mà còn rất nhiều cơ hội để làm, chúng ta thấy đến phân nửa sản phẩm nông, lâm, hải sản chỉ cần có công nghệ đóng gói, bảo quản rồi làm thương hiệu tốt đã có thể tạo thêm giá trị gia tăng.
7- Tham gia vào lĩnh vực phân phối sản phẩm và phát triển thị trường xuất khẩu: Một vài sản phẩm như gạo, đồ khô, thịt, rau quả sạch... cũng có thể phát triển thành một chuỗi phân phối. Ở nước ta vắng bóng các hệ thống phân phối chuyên biệt cho thực phẩm, nông sản, hoa quả... nên vắng bóng các thương hiệu đủ ở quy mô và thương hiệu cho người tiêu dùng tìm đến và lựa trọn.
Tiềm năng thị trường đầu ra cho ngành Nông nghiệp Việt:
Ngoài các tiềm năng chuỗi của ngành nông nghiệp nêu trên chúng ta phải kể đến tiềm năng về thị trường cho ngành nông sản và thực phẩm của Việt Nam. Chúng tôi thấy vấn đề thị trường không phải là điểm cần lo lắng cho Việt Nam, nếu chúng ta có hệ thống sản phẩm chất lượng tốt và năng lực cung ứng ổn định thì cơ hội đầu ra cho ngành nông sản Việt là rất tiềm năng nếu xét đến nhu cầu của thế giới đối với các mặt hàng nông sản thuộc thế mạnh của Việt Nam và một thị trường nội địa đến 90 triệu dân.
Chúng ta có thị trường khổng lồ bên cạnh là nước Trung Quốc, theo đánh giá của FAO thì trong tương lai gần Trung Quốc là nước có nguy cơ thiếu trầm trọng về lương thực, thực phẩm, nông sản... Nước Nhật có nguy cơ già hóa dân số và đặc biệt thiếu lực lượng lao động trong ngành sản xuất nông nghiệp nên đã có kế hoạch đầu tư phát triển trồng trọt nông nghiệp ở Việt Nam để đảm bảo cho nhu cầu của họ. Ngoài ra, cơ hội thị trường cho nông, lâm, hải sản của Việt Nam ngày càng được mở rộng khi gần đây nước ta tích cực tham gia vào rất nhiều hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam-EU, FTA Việt Nam-Hàn Quốc, hiệp định EAEC và có thể là CPTPP. Thị trường thuộc các hiệp định thương mại tự do nêu trên mà Việt Nam vừa tham ra đều có tính bổ sung nhu cầu các sản phẩm Nông nghiệp thuộc thế mạnh của Việt Nam như Nông sản (hồ tiêu, cafe, cacao, hạt điều, gia vị, tinh bột sắn, gạo, hoa quả nhiệt đới, nguyên liệu dược..), hải sản, đồ gỗ.
Ngoài ra còn phải nói đến thị trường nội địa đầy tiềm năng cho 90 triệu dân đối với các mặt hàng nông sản, lương thực và thực phẩm. Chúng ta đều thấy thị trường trong nước có xu hướng cần các mặt hàng này ở chất lượng cao hơn, an toàn vệ sinh thực phẩm, có mẫu mã thương phẩm tốt... Đây là cơ hội rất lớn cho các Doanh nghiệp Việt nếu có chiến lược nghiêm túc khai thác thị trường nội địa.
Với nhận thức và đánh giá nêu trên, chúng tôi thấy chỉ có ngành Nông nghiệp mới đem đến thịnh vượng cho người dân và Doanh nghiệp Việt Nam. Nếu làm công trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, dệt may... thì chỉ có thể thu nhập đến chục triệu/tháng/công nhân, nhưng nếu biết phát triển nông nghiệp thì 1ha đất có thể đem lại lợi nhuận vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/hộ dân.
Nhận thức được các cơ hội nêu trên, trong những năm gần đây cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, tích cực đầu tư vào lĩnh vực Nông nghiệp và Thực phẩm như VINGroup, Massan, Hòa Phát, Himlam... ngoài các Doanh nghiệp đã thành công trước đó như VINAMILK, VISAN, CAFE Biên Hòa, Tập đoàn Lộc Trời, Trung Nguyên...
Với quyết tâm, kinh nghiệm và đam mê, Công ty Cổ phần Cà phê Gia Lai đang triển khai từng bước chiến lược đầu tư lâu dài và bền vững vào lĩnh vực Nông nghiệp, phấn đấu mục tiêu trở thành một Doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Nông nghiệp vào năm 2025, một Doanh nghiệp Nông nghiệp tầm cỡ của khu vực vào năm 2030 và một Doanh nghiệp đem lại nhiều giá trị hơn cho cộng đồng Việt Nam.